Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
Thông báo phòng, chống dịch, bệnh viên da nổi cục trên đàn trâu, bò

THÔNG BÁO

V/v Cấp bách trong công tác phòng chống dịch Viêm da nổi cục trâu, bò

 

Kính gửi:      Các ông bà Trưởng thôn

                      Toàn thể nhân dân, đặc biệt là các hộ đang chăn nuôi gia súc

Hiện tại bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò đang có diễn biến hết sức phức tạp. Trên địa bàn huyện đã xuất hiện, biểu hiện bệnh trên đàn bò ở một số xã trên địa bàn huyện.

Để đảm bảo cho việc phòng chống dịch bệnh, đảm bảo tài sản cho nhân dân, nhằm ngăn chặn kịp thời dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng đặc biệt không để dịch bùng phát trên địa bàn xã.

BCĐ phòng chống dịch bệnh yêu cầu các ông bà trưởng thôn, các hộ gia đình đang chăn nuôi trâu, bò, các hộ gia đình giết mổ trâu, bò trên địa bàn xã Hoa Lộc nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh sau:

1. Đặc điểm bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò

  - Bệnh viêm da nổi cục (tên tiếng Anh là Lumpy Skin Disease, viết tắt là LSD) là bệnh truyền nhiễm do vi rút thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò. Vi rút này không gây bệnh trên người.

  - Đường truyền lây qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve. Bệnh cũng có thể lây truyền qua vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh; sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch và qua tiếp xúc trực tiếp.

  - Dịch bệnh xảy ra gây thiệt hại về năng suất do sản lượng sữa giảm mạnh, giảm khả năng sinh sản, sảy thai, tổn thương da, giảm tăng trọng và có thể chết. Thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 4 - 14 ngày. Tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh khoảng 10 - 20%; tỷ lệ chết khoảng 1 - 5%.

  2. Triệu chứng, bệnh tích

  Trâu, bò mắc bệnh thường có những dấu hiệu dưới đây

  - Sốt cao, có thể trên 41 độ C, bỏ ăn, suy nhược và gầy yếu

  - Giảm khả năng tiết sữa rõ rệt ở gia súc đang cho con bú

  - Viêm mũi, viêm kết mạc và tiết nhiều nước bọt;

  - Sưng hạch bạch huyết bề mặt (hạch trước vai, hạch sau đùi)

  - Hình thành các nốt sần có đường kính từ 2 - 5 cm, đặc biệt là ở da đầu, cổ, chân, bầu vú, cơ quan sinh dục và đáy chậu trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu phản ứng sốt. Các nốt sần này có hình tròn, chắc và nhô cao trên da, mô dưới da và đôi khi cả các cơ bên dưới.

  - Các nốt sần lớn có thể bị hoại tử và cuối cùng là xơ hóa và tồn tại trong vài tháng; để lại các vết sẹo có thể tồn tại vĩnh viễn.

  - Các mụn nước, vết hoại tử và vết loét có thể xuất hiện ở màng nhầy của miệng và đường tiêu hóa cũng như trong khí quản và phổi

  - Chân và các bộ phận vùng bụng khác của cơ thể, như bao da, ức, bìu và âm hộ, có thể bị tiết dịch, khiến con vật không muốn di chuyển

  - Bò đực có thể bị vô sinh vĩnh viễn hoặc tạm thời

  - Bò mang thai có thể sảy thai.

3. Các biện pháp phòng, chống dịch Viêm da nổi cục

- Chủ động, thường xuyên giám sát trâu, bò, kịp thời phát hiện các trường hợp trâu, bò có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y lấy mẫu xét nghiệm.

- Thực hiện nuôi nhốt trâu, bò; hạn chế tối đa chăn dắt hoặc thả rông để hạn chế dịch bệnh lây lan

- Thường xuyên tổng vệ sinh chuồng trại, khu vực chăn nuôi, sử dụng các loại hóa chất như Hantox 200, Deltamethrin, Formaldes...để diệt các loại côn trùng, ruồi, muỗi, ve mòng... liên tục trong vòng 3 tuần tại hộ chăn nuôi có gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh.

- Tiêm phòng Vắc xin Viêm da nổi cục trên trâu, bò cho các đối tượng là trâu, bò khỏe mạnh từ 2 tháng tuổi trở; không tiêm trâu, bò đã có triệu chứng của bệnh viêm da nổi cục hoặc trâu, bò bị các bệnh khác.

+ Sử dụng Vắc xin Lumpyvac đông khô được hòa với nước pha để tiêm phòng bệnh.

+ Đường tiêm: Tiêm dưới da cổ trâu, bò

+ Liều tiêm: 2ml/con

+ Thực hiện theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, hạn sử dụng, bảo quản, liều lượng, cách dùng, vị trí, đường tiêm trước khi sử dụng.

4. Cách điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng khi trâu, bò bị mắc bệnh

- Khi trâu, bò bị nhiễm bệnh hoặc có triệu chứng nhiễm bệnh phải nuôi nhốt tại chuồng; cách ly và điều trị theo hướng dẫn của cơ quan Thú y

- Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng gồm thức ăn thô xanh như rau, cỏ; thức ăn tinh như bột, cám, ngô..và bổ sung vi chất cho vật nuôi.

- Nếu trâu, bò bị sốt thì tiêm thuốc hạ sốt Anagin (tiêm bắp) và thuốc kháng sinh Penicilin hoặc Penstrep (tiêm bắp). Liều dùng 2 lần/ngày, tiêm từ 3 đến 5 ngày

- Trường hợp bị ốm nặng thì tiêm một số loại thuốc trợ lực như Bcomlex hoặc B1 (tiêm bắp). Liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Sử dụng Xanh Methylen để bôi ngoài da.

- Khi trâu, bò bị chết do nhiễm bệnh VDNC thì phải báo cáo chính quyền và cơ quan Thú y để thực hiện tiêu hủy ngay.

- Khi phát hiện trâu, bò có biểu hiện dịch bệnh thì không được chăn thả mà phải nhốt tại chuồng báo cáo cho BCĐ (cán bộ thú y xã) để kịp thời giải quyết.

5. Đối với các hộ giết mổ trâu, bò:

- Trong trường hợp giết mổ phải thường xuyên báo cáo về BCĐ thông qua cán bộ thú y xã, đăng ký giết mổ. Trâu bò giết mổ phải rõ nguồn gốc, có kiểm dịch, xác nhận của cơ quan thu y mới được giết mổ.

- Tuyệt đối không vận chuyển, giết mổ, kinh doanh trâu, bò trong thời gian dịch bệnh cho đến khi có thông báo mới của chính quyền địa phương; các hộ vi phạm sẽ bị xử xử phạt hành chính theo quy định.

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ HOA LỘC - HUYỆN HẬU LỘC

Chịu trách nhiệm: LÝ BÁCH CHIẾN - CHỦ TỊCH UBND XÃ HOA LỘC

Địa chỉ: Xã Hoa Lộc, Huyện Hậu Lộc, Tỉnh Thanh Hóa

Số điện thoại: 0964331967

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa